Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành của Việt Nam (Luật SHTT Việt Nam) và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này được xem là những tiến bộ vượt bậc và phù hợp hơn với các quy tắc và nghĩa vụ quốc tế.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, một số quy định về thực thi các quyền sở hữu trí tuệ (Quyền SHTT) trong quá trình thực hiện của Luật SHTT Việt Nam dường như chưa rõ ràng. Bài viết này xem xét vấn đề xử lý hành vi xâm phạm Quyền SHTT theo thủ tục hành chính (Điều 211 của Luật SHTT Việt Nam) và xử lý hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dành cho mục đích xuất khẩu (các Điều từ 216 đến 219 của Luật SHTT Việt Nam).
Phải có bằng chứng về sự thiệt hại
Điều 211.1.a của Luật SHTT Việt Nam quy định rằng các tổ chức, cá nhân có các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội, phải bị xử phạt hành chính.
Điều này có nghĩa là để cho phép thực thi Quyền SHTT và để các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam có những hành động pháp lý chống lại người xâm phạm, chủ sở hữu Quyền SHTT phải cung cấp cho các cơ quan này những bằng chứng của họ về thiệt hại do người xâm phạm trực tiếp gây ra cùng với các yêu cầu giải quyết của họ.
Quy định có vẻ như đơn giản này đã gây khó khăn cho các chủ sở hữu Quyền SHTT cũng như các đại diện Quyền SHTT/luật sư của họ trong quá trình tiến hành thủ tục pháp lý chống lại kẻ xâm phạm. Nguyên nhân là do các chủ sở hữu Quyền SHTT không dễ dàng xác định được giá trị thu nhập/lợi nhuận hoặc danh tiếng đã bị thiệt hại do hành vi xâm phạm. Để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu này, một số người yêu cầu có thể nộp bằng chứng không thích hợp về thiệt hại hoặc thậm chí bằng chứng giả cho các cơ quan thực thi SHTT. Ngoài ra, nếu các cơ quan thực thi SHTT phát hiện ra rằng bằng chứng về thiệt hại do người yêu cầu cung cấp là không phù hợp hoặc không đầy đủ thì họ có thể từ chối yêu cầu xử lý. Cả hai tình huống này, như đã nói ở trên, đã chứng minh rằng trên thực tế yêu cầu về bằng chứng gây thiệt hại có thể bị lạm dụng.
Chính vì vậy, cơ quan thực thi SHTT có quyền từ chối yêu cầu xử lý nếu (i) người yêu cầu không nộp bằng chứng về thiệt hại hoặc (ii) bằng chứng về thiệt hại không được chấp nhận bởi các cơ quan thực thi SHTT . Chúng tôi có quan điểm rằng, mặc dù bằng chứng về thiệt hại chưa được quy định là một yêu cầu bắt buộc cho một yêu cầu xử lý theo Điều 26 của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định số 97) và Điều 23 của Nghị định số 105/2006/ND-CP ngày 22/09/2006 sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ (Nghị định số 105), căn cứ vào Điều 211.1.a của Luật SHTT Việt Nam, các cơ quan thực thi SHTT vẫn có quyền từ chối yêu cầu xử lý mà không bao gồm bằng chứng về thiệt hại kèm theo yêu cầu. Điều này là do Luật SHTT Việt Nam được có hiệu lực cao hơn so với Nghị định số 97 và Nghị định số 105 .
Do đó, trong thực tiễn, quy định này có thể tạo ra tình huống khôi hài là chủ sở hữu quyền SHTT không thể tiến hành những hành động pháp lý chống lại hành vi xâm phạm SHTT rõ ràng nếu họ không thể cung cấp bằng chứng về thiệt hại cho các cơ quan thực thi quyền SHTT.
Hơn nữa, về mặt lý thuyết, bằng chứng về thiệt hại có vẻ là một điều kiện để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại tại tòa án dân sự cho việc giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân. Theo đó, bằng chứng về thiệt hại được coi là một yêu cầu để giải quyết các tranh chấp dân sự, mà không phải để giải quyết các vi phạm hành chính. Ngoài ra, trật tự công cộng, các lợi ích công cộng, và trật tự quản lý Nhà nước, chứ không phải lợi ích cá nhân, mới là những đối tượng cần được các cơ quan hành chính Nhà nước bảo vệ. Do đó, nếu một hành vi xâm phạm SHTT bị coi là vi phạm hành chính gây ra ảnh hưởng xấu hoặc xâm phạm trật tự công cộng và trật tự quản lý Nhà nước được pháp luật bảo vệ, các cơ quan Nhà nước cần phải cấm và nghiêm trị loại xâm phạm này ngay lập tức, bất kể loại xâm phạm này có gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền SHTT hay không.
Vì vậy, việc yêu cầu chủ sở hữu quyền SHTT cung cấp bằng chứng về thiệt hại để tiến hành các hành động pháp lý chống lại những người xâm phạm theo thủ tục hành chính là không phù hợp.
Các nhà lập pháp cần xem xét loại bỏ yếu tố “gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội” khỏi quy định tại Khoản 211.1.a của Luật SHTT Việt Nam.
Kiểm soát nhưng không có thẩm quyền giải quyết
Các Điều 216, 217, 218 và 219 của Luật SHTT Việt Nam quy định về kiểm soát sở hữu trí tuệ liên quan đến nhập khẩu và/hoặc xuất khẩu. Theo đó, cơ quan Hải quan của Việt Nam thực hiện các biện pháp để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu một cách công bằng và tương tự. Theo các quy định này, Luật Hải quan đã quy định cụ thể các biện pháp về quản lý, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT (theo các Điều 57 và 58), Nghị định số 154 và Nghị định số 97.
Vấn đề phát sinh khi mà theo Điều 11.11.c của Nghị định số 97, hành vi nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp bị nghiêm cấm và bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, hành vi tương tự trong xuất khẩu không bị cấm và xử lý theo Nghị định số 97. Đối với một số cơ quan và chuyên gia SHTT, các hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm SHTT thậm chí không nên được xem là xâm phạm quyền SHTT vì hành động này chưa được quy định tại Điều 124.5 (sử dụng nhãn hiệu) và Điều 129 (hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu hàng hóa) của Luật SHTT Việt Nam.
Sự không thống nhất theo Nghị định số 97 này đã dẫn đến hệ quả là cơ quan Hải quan không được quyền kiểm soát và tạm giữ hàng hóa xâm phạm quyền SHTT nhằm mục đích xuất khẩu bởi vì họ không có quyền xử lý hàng hóa xuất khẩu.
Như vậy, có thể có rủi ro là các chủ sở hữu quyền SHTT không thể tiến hành hành động pháp lý chống lại những kẻ xâm phạm với bằng chứng xâm phạm rõ ràng nếu cơ quan Hải quan không chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan thực thi SHTT có thẩm quyền khác để tiếp tục điều tra và xử lý người xâm phạm đối với hành vi sản xuất và/hoặc vận chuyển và/hoặc lưu trữ hàng hóa xâm phạm theo các quy định của pháp luật Việt Nam trong thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan (không quá 20 ngày làm việc). Trong trường hợp này, chủ sở hữu quyền SHTT thậm chí phải chịu tất cả các phí và các chi phí phát sinh từ việc tạm dừng làm thủ tục hải quan như là sự đền bù cho người xâm phạm nếu một trong các cơ quan thực thi SHTT có thẩm quyền của Việt Nam không tiếp nhận vụ việc để tiếp tục điều tra và xử lý hàng hóa xâm phạm đang bị tạm giữ tại cơ quan Hải quan. Ngoài ra, chủ sở hữu quyền SHTT vẫn phải bồi thường thiệt hại cho kẻ xâm phạm tất cả các chi phí và phí tổn do việc tạm dừng làm thủ tục hải quan gây ra (cho họ) nếu cơ quan thực thi SHTT không thể thu được bằng chứng về việc sản xuất và/hoặc vận chuyển và/hoặc lưu trữ hàng hóa xâm phạm từ người xâm phạm đó.
Ngoài ra, trên thực tế, trong vòng tối đa 20 ngày làm việc, chủ sở hữu quyền SHTT khó có thể chuẩn bị và nộp đơn lên tòa án có thẩm quyền cũng như thuyết phục các tòa án ban hành đồng thời cả hai quyết định thụ lý vụ án và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tiếp tục tạm giữ hàng hóa xâm phạm tại cơ quan Hải quan.
Việc cho phép cơ quan Hải quan có quyền giám sát và đình chỉ thủ tục hải quan đối với hàng hóa xâm phạm mà không cung cấp cho họ chế tài xử phạt hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm có thể gây ra rủi ro và khó khăn nghiêm trọng cho các chủ sở hữu quyền SHTT khi họ quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu tại biên giới Việt Nam. Sự không thống nhất trong luật pháp và quy định của Việt Nam không chỉ làm mất nhiều thời gian và tiền bạc của các chủ sở hữu quyền SHTT nhằm tiến hành những hành động pháp lý chống lại hành vi xâm phạm quyền SHTT, mà còn tạo ra rủi ro trớ trêu cho các chủ sở hữu quyền SHTT vì họ có thể thất bại trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ xâm phạm và phải bồi thường tất cả các chi phí và phí tổn phát sinh từ việc tạm dừng làm thủ tục hải quan. Như vậy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật SHTT Việt Nam và các quy định có liên quan về xử phạt các hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm SHTT là cần thiết để nâng cao hiệu quả của Luật SHTT Việt Nam cũng như các hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.
Cần có những điều kiện khác nhau để cho phép việc thực thi pháp luật nói chung và thực thi và bảo vệ quyền SHTT nói riêng được hiệu quả. Trong số đó, một hệ thống pháp luật đầy đủ và thống nhất được xem là công cụ quan trọng nhất. Như vậy, những trở ngại nói trên cần được giải quyết một cách thỏa đáng nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong thời gian tới./.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn – Hỗ trợ vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH I&WE
✦ Địa chỉ: Tổ 13, cụm 3, P. Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
✦ VPĐD: Số 44 ngõ 897 Giải Phóng, P. Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội.
✦ Hotline 24/24: 0929 240 240 (Zalo)
✦ Email: iwe.lawfirm@gmail.com
✦ Website: congtyluatiwe.com